9 Science Fiction Books to Read this Week
Chín quyển khoa học viễn tưởng chọn ngấu nhiên từ trên giá để bạn đọc tuần này.
1. Dune (Frank Herbert)
Tượng đài. Kinh điển. Đặt nền móng và định hình khuôn mặt của khoa học viễn tưởng hiện đại. Câu chuyện về chàng công tước trẻ tuổi Paul Atreides trên hành tinh sa mạc Arrakis, người đơn độc dấn thân vào cuộc phiêu lưu sinh tử mà không hề biết mỗi hành động của mình sẽ quyết định vận mệnh của cả thiên hà sẽ mãi được vinh danh là chiến thắng của trí tưởng tượng con người. Đọc quyển đầu là đủ rồi, không cần đọc những quyền sau do con trai Herbert viết 🤪
2. Rendezvous with Rama (Arthur C. Clarke)
Clarke sẽ mãi là người thầy của dòng viễn tưởng kén người đọc mà thời hoàng kim đã qua mấy chục năm trước: Hard Science-Fiction.
Nhiều người cảm thấy văn ông viết khô khan vì xây dựng thế giới quá chi tiết và khoa học. Vậy nên với ai còn lạ lẫm với Clarke, không có tác phẩm ‘nhẹ nhàng’ nào hơn để làm quen là ‘Rendez-vous with Rama’ - hoàn hảo, kết hợp được tài ngoại suy khoa học và dàn dựng tiểu thuyết Cuộc hẹn với Rama, 1972: các nhà thiên văn học đã phát hiện một sao chổi mới, đặt tên là Rama (tên một vị thần của Ấn Độ giáo), nhưng khi nó tiến sâu vào hệ Mặt Trời, đội thám hiểm bay từ trái đất mới nhận ra đó là một con tàu vũ trụ khổng lồ, tỉ như con thuyền của Noah, bị cái lạnh của cuộc du hành không gian liên hành tinh làm đóng băng, nhưng sẽ dần dần hồi sinh khi nó bay gần tới mặt trời...
3. The War of the Worlds (H.G. Welles)
Hẳn ai cũng xem bộ phim này của Tom Cruise rồi. Về cơ bản truyện và phim đó không có nhiều liên quan cho lắm. Trừ một điểm chung: Trái Đất được cứu vì sao Hoả toàn thành phần anti-vax 🤣 (j/k)
Có thể giờ nhìn lại ta thấy cốt truyện bình thường nhưng nên nhớ rằng viết năm 1897, đây là một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên. Khi nhân loại còn chưa học bay, Welles đã viết về người sao Hoả tấn công nước Anh. Và còn sâu sắc hơn thế.
4. The Handmaid‘s Tale (Margaret Atwood)
Một câu chuyện kinh dị về số phận của nữ giới trong tương lai giả tưởng. Và Atwood như một phóng viên, một người đưa tin của sự thật không biết sợ. Sự thật, dù kinh tởm, dị hợm, tàn bạo như nào cũng vẫn là sự thật. Không dễ đọc nhưng với tôi đây là một quyển có khả năng ám ảnh người đọc dài dài...
5. Foundation Trilogy (Asimov)
Thiên sử thi thiên hà trải dài hơn 1000 năm. Một tác phẩm lớn, hoành tráng chưa chắc phải cần những vụ nổ lớn, trận chiến kinh thiên động địa. Thay vào đó, nó để lại những câu hỏi lớn trong mỗi độc giả. Nhiều gã phê bình văn chương hẳn sẽ chê Asimov chỉ được trí tưởng tượng phong phú còn lại không biết viết. Riêng tôi, Foundation chính là ‘The Lord of the Rings” của dòng văn khoa học viễn tưởng.
6. Long After Midnight (Ray Bradbury)
Qua 22 truyện ngắn, Bradbury đã thể hiện rõ ma thuật trong việc dùng từ ngữ của mình. Quá khứ, hiện tại, tương lai. Một trong những nhà văn mà “kể” và “truyện” đều xuất sắc ngang nhau. Ray Bradbury có lẽ là một trong những cái tên mà lũ thanh niên mọt sách mới lớn nào cũng từng có thời đọc sách ông mê mệt. Và mặc dù giờ tôi ít đọc lại Bradbury, ‘Long After Midnight” vẫn luôn sẽ có một chỗ chễm chệ trên giá sách.
7. Solaris (Stanislaw Lem)
Khi các nhà văn khoa học viễn tưởng viết về người ngoài hành tinh, họ nghĩ mình đang viết về người ngoài hành tinh. Nhưng 99% họ viết thực ra là về giống loài của mình. Một tấm gương phản chiếu, một khuôn mẫu chật hẹp. Màu da khác. Công nghệ khác. Số lượng chi trên người khác. Thiên hà khác. Còn lại tận cùng bên trong người vẫn hoàn người. Một công thức chào hàng của Hollywood. Còn Lem, như những nghệ sĩ Đông Âu luôn có cách tư duy và trí tưởng tượng độc nhất vô nhị không giống với nơi nào trên quả đất, đã tái định nghĩa lại khái niệm này.
“Có những thứ sinh ra không phải để hiểu. Còn điều làm nên tính người là chúng ta cứ bất chấp tìm hiểu.”
8. Cloud Atlas (David Mitchell)
Một mỏ vàng các câu trích dẫn cho những kẻ thích ‘sâu đíp’.
Frobisher mơ mình đứng cùng Sixsmith trong một cửa hàng đồ sứ chật chội đầy những giá, những chạn đựng bát đĩa. Chỉ cần một cử động nhỏ cũng có thể làm mọi thứ không ngừng tuôn rơi. Nhưng thay vì tiếng bát đĩa vỡ thì lại vang lên âm nhạc của bộ lục tấu Vân Đồ! Đó chính là cảm xúc của Frobisher khi anh viết Bộ Lục tấu Vân đồ, Frobisher tin rằng anh và Sixsmith sẽ còn tái ngộ nhau ở một thế giới khác. Một thế giới tốt đẹp hơn, một nơi tình yêu của hai người không bị cấm đoán. Âm nhạc và tiếng ồn cũng chỉ mang tính quy ước, luật lệ quy tắc là do con người đặt ra và cũng do con người thay đổi, nếu tiếng ồn có thể trở thành âm nhạc thì hai người đàn ông yêu nhau cũng có thể trở thành bình thường.
9. The City & The City (China Meville)
Nói thế nào để miêu tả ‘The City & The City’ trong một câu ngắn gọn nhỉ? Kafka gặp Borges gặp Orwell gặp Philip K. Dick, bọc thêm một lớp lụa trinh thám đen trong suốt, mịn như nhung? Thật may nó không biến thành một thứ sà bần hầm bà lằng. Một tác phẩm rất đặc biệt.